Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng

11/09/2023 01:11

Ký ức đẹp nhất của siêu đầu bếp Alain Nghĩa chính là chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng.

Đầu bếp Alain Nghĩa tên thật là Nguyễn Trọng Nghĩa, 45 tuổi, đang sống và làm việc ở TP.HCM. Anh tốt nghiệp chuyên ngành marketing nhưng lại theo đuổi đam mê ẩm thực.

Xuất hiện trong tập 179 của chương trình Gõ cửa thăm nhà, đầu bếp Alain Nghĩa tiết lộ bản thân từng nản chí, rẽ hướng sang nghề khác. Tuy nhiên, sau vài tháng theo nghề trang điểm, anh quay về làm đầu bếp cho khách sạn.

Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng

Alain Nghĩa từng giành chiến thắng trong cuộc thi Siêu đầu bếp 2013.

Tiếp đó, anh nghỉ việc ở khách sạn, mở một quán ăn nhỏ. Lần đầu làm chủ, anh nghĩ chỉ cần nấu ăn ngon là đủ, bỏ qua việc quảng bá thương hiệu. Vì vậy, kinh doanh thất bại, thua lỗ hết vốn liếng tích góp và tiền của bố mẹ cho anh.

Sang quán, đầu bếp Alain Nghĩa còn đúng 3 triệu đồng trong túi. Bỏ ra 2,5 triệu đồng thuê nhà, anh cầm 500 nghìn đồng mà lòng chua xót.

Thất bại, anh Nghĩa không nản chí, quyết tâm làm lại từ đầu. Năm 2013, anh tham gia và chiến thắng cuộc thi Siêu đầu bếp. Từ bước ngoặt đó, anh vụt sáng thành đầu bếp danh tiếng, tác giả của nhiều tập sách dạy nấu ăn, giảng viên ẩm thực…

Cuộc đời sang trang, đầu bếp Alain Nghĩa vẫn giữ được nét bình dị, dân dã như cậu bé năm nào theo ngoại vào bếp.

Anh Nghĩa nói: “Người truyền cảm hứng, hun đúc niềm yêu thích nấu nướng của tôi chính là bà ngoại. Từ nhỏ, tôi đã cảm nhận được sự tinh tế trong các món ăn bà nấu.

Tôi nhớ, mỗi dịp hè, ông ngoại lên Biên Hòa, Đồng Nai đón tôi về quê chơi. Quê của ông bà ở miền Tây. Cho nên, tuổi thơ của tôi đong đầy ký ức tắm sông, chặt dừa nước, bắt cá bắt cua…

Ông ngoại còn bắt chúng tôi nhổ mạ, cấy lúa, gieo bắp, làm cỏ… Ông bà muốn các cháu hiểu nỗi khổ của người nông dân, trân quý từng món ăn quê giản dị”.

Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng

Chiếc đèn dầu đẹp nhất thuở nhỏ của đầu bếp Alain Nghĩa. Ảnh minh họa: Ngọc Lài

Bà ngoại của anh Nghĩa mất cách đây 6 năm. Mỗi lần nhớ đến bà, khung cảnh quê ngoại ùa về trong tâm trí anh.

Đó là hàng rào kẽm gai có dây trầu bấu víu, ngả nghiêng theo nhịp dưới cơn mưa chiều. Trong lúc cháu trai ngắm mưa, bà ngoại thắp đèn dầu, bước vào gian bếp tối đen, nhóm bếp bằng trấu, nấu cơm chiều.

Và, anh Nghĩa rưng rưng nước mắt, nhớ bàn tay gầy guộc của ngoại cầm đèn dầu, lui cui nấu cơm lúc 4h sáng. Chiếc đèn dầu nhỏ đặt vào lon sữa bò, cố định bằng xi măng để bà cầm cho bớt nóng. Một tay cầm đèn, một tay bà dò tìm cái nồi, ấm nước…

Nhớ bà, đầu bếp Alain Nghĩa trang trí căn bếp của mình hệt như gian bếp của ngoại. Anh mang chén dĩa của ngoại từng sử dụng, bài trí khắp căn bếp và dùng bày biện thức ăn.

Mỗi món ăn của ngoại, anh đều nhớ như in từng công thức, bí quyết. Trong đó, anh nhớ nhất món thịt kho trứng: “Người miền Tây thường lấy lá chuối đắp lên mặt nồi thịt, kho lửa riu riu đến khi nước trong, thịt mềm, thơm ngon.

Hiện tại, tôi vẫn sử dụng và dạy học viên công thức kho thịt của bà. Đó là cách tưởng nhớ và cảm ơn ông bà đã cho tôi một tuổi thơ thật đẹp”.

Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng

Đầu bếp Alain Nghĩa nặng lòng với hương vị quê nhà.

Trong nghề bếp, người đi trước thường “giấu nghề”, không chỉ dạy hết bí quyết cho người sau. Anh Nghĩa lại khác, biết bao nhiêu anh dạy bấy nhiêu, không toan tính cho mình.

Anh Nghĩa không giấu nghề, bởi sức sáng tạo ẩm thực của anh vô cùng dồi dào. Chỉ cần nhìn thấy gánh hàng rong đi ngang qua cửa, cảm xúc ùa về, anh lại làm ra một món ăn mới.

Hoặc, có khi 1-2h sáng, nghĩ ra công thức mới, anh vội vàng xuống bếp thực hành. Món ăn hoàn thành, công thức được ghi chép cẩn thận, anh mới yên tâm nghỉ ngơi.

Hơn 20 năm kinh nghiệm, đầu bếp Alain Nghĩa sở hữu hàng ngàn công thức nấu ăn, bao gồm món chính, khai vị, đồ ăn vặt… Món ăn của anh được thực khách khen ngợi từ hương vị cho đến cách bài trí đầy tính nghệ thuật.

Dẫu tạo được dấu ấn trong nghề, anh Nghĩa vẫn luôn trăn trở, nhớ thương, đi tìm hương vị tuyệt vời nhất trong ký ức. Nhưng, ngoại không còn, hương vị ấy cũng theo người mãi mãi rời xa.

Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng

Chiếc cối đá xay bột đổ bánh xèo, miền ký ức về ngoại tôi

Nhìn lũ cháu đen đúa, gầy nhom vì nắng gió chan chát vùng biển mặn, ngoại xót dạ liền bảo: "Mèn đét ơi, về rồi đó hen. Để bà đổ bánh xèo cho ăn!".

Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng

Mùi của đám giỗ, mùi của sum họp

Đến giờ, tôi vẫn không thể quên được cái mùi thơm đặc trưng của đám cúng, đám giỗ ở quê. Thỉnh thoảng đi trong lòng phố thị chiều mưa, tôi nghe được cái mùi thơm chiên, xào từ nhà ai đó bay ra, gợi lên cái ký ức khó phai của tuổi thơ ngày ấy.

Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng

Từ món mít non kho chay mùa Vu Lan

Ăn chay giờ đã không còn là chuyện riêng của những người đi tu hoặc theo đạo Phật, cũng chẳng phải cách ăn của người ăn chay trường hoặc ăn chay theo kỳ. Ăn chay đã trở thành một cách dưỡng sinh, phục vụ nhu cầu giảm cân…

Bình luận

Theo Nguồn vietnamnet.vn

Chiếc đèn dầu đặt vào lon sữa bò, bà ngoại cầm nấu cơm lúc 4h sáng - Tâm Sự