TTO - Các tỉnh ĐBSCL làm gì để thoát khỏi tình thế khó khăn phát triển du lịch? Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng đã đến lúc du lịch các tỉnh phải thoát cảnh na ná nhau như hiện tại.
Các tỉnh ĐBSCL có mô hình du lịch gần giống nhau về sông nước - Ảnh: C.QUỐC
TS Hiệp nói:
- ĐBSCL không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, lễ hội - làng nghề truyền thống... ĐBSCL cũng có tiềm năng kết nối tour, tuyến với TP.HCM, các vùng miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekong.
Tuy nhiên, tình trạng chung là không gian du lịch vùng bị ngắt khúc. Hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách. Cách làm du lịch còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau dễ gây nhàm chán. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn.
* Nhiều chuyên gia và lãnh đạo địa phương cho rằng hạ tầng giao thông cách trở là nguyên nhân chính làm cho du lịch ĐBSCL chưa thể "cất cánh". Ý kiến của ông về nhận định này thế nào?
- Hạ tầng giao thông là "phần cứng" đặc biệt quan trọng không thể thiếu cho hoạt động du lịch. Đó là 1 trong 3 điểm yếu trong phát triển vùng (giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực). Muốn đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế có nhiều lợi thế của vùng, phải tăng cường kết nối các phương thức giao thông, nhất là giải quyết các điểm nghẽn hàng không, đường bộ và đường thủy.
Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cùng với phát triển hạ tầng giao thông, cần xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch địa phương, các tiểu vùng và vùng ĐBSCL với 2 yêu cầu rất quan trọng là tích hợp hiệu quả và liên kết vùng thực chất.
Thời gian qua, liên kết vùng được nhiều tỉnh thành và nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng và một mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết vùng ĐBSCL và TP.HCM để phát triển du lịch thật sự hiệu quả. Liên kết du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL chưa như kỳ vọng. Du lịch ĐBSCL đang đứng trên "đôi chân 3 điểm yếu" là hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch yếu kém.
* Trong khó khăn, một số tỉnh thành như Đồng Tháp đã tìm cách tách ra bằng việc phát triển du lịch cộng đồng, để thoát khỏi chuyện làm du lịch na ná nhau như ông nói nên khách một đi không trở lại. Liệu đây có phải là một giải pháp tốt, thưa ông?
- Hai điểm yếu căn bản của du lịch ĐBSCL thời gian qua cần khắc phục là "một kiểu cho tất cả" và thói quen "gắp đồ ăn cho khách". Nên sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn du khách. Việc một số địa phương như Đồng Tháp vừa có cách làm sáng tạo bằng cách phát triển du lịch cộng đồng, phát huy những giá trị riêng như biểu tượng của sen hay xây dựng làng hoa Sa Đéc kỳ vọng tạo ra một "Đà Lạt của đồng bằng"... để thoát khỏi chuyện làm du lịch na ná nhau, đi một tỉnh biết hết các tỉnh khác nên khách một đi không trở lại.
Tuy nhiên, tạo sự khác biệt chính là làm cho sản phẩm du lịch phong phú hơn, trên yêu cầu chung vẫn phải tăng cường liên kết tiểu vùng, vùng ĐBSCL và với TP.HCM.
TP.HCM với lợi thế hạ tầng du lịch hiện đại, trung tâm kinh tế và du lịch của cả nước, là một cửa ngõ đưa khách du lịch về miền Tây. ĐBSCL với không gian du lịch giàu bản sắc, kết nối tốt với TP.HCM tạo ra một không gian du lịch rộng lớn hơn. Sự liên kết chặt chẽ hai không gian du lịch này làm cho các sản phẩm du lịch của mỗi nơi có thế mạnh riêng mang tính độc đáo và hấp dẫn hơn.
* Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để du lịch ĐBSCL thật sự "cất cánh"?
- Tôi nghĩ kết nối không gian du lịch, liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách chính là cách "mở khóa" phát triển du lịch liên vùng TP.HCM và ĐBSCL. Một chương trình liên kết vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng lợi thế dùng chung và tạo ra sản phẩm du lịch xanh đặc thù.
Liên kết vùng không chỉ những hoạt động ký kết hợp tác hay liên kết giữa chính quyền địa phương với nhau, mà quan trọng hơn là tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân làm du lịch, tạo ra các chuỗi giá trị ngành du lịch phát triển bền vững.
* Còn chuyện liên kết vùng, tiểu vùng của bản thân các tỉnh ĐBSCL cần như thế nào để du lịch phát triển?
- Một người không làm nên chợ. Chuỗi giá trị du lịch không thể "gói" trong không gian hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Để tổ chức tốt không gian du lịch vùng, phát huy thế mạnh của từng cụm, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa, khai thác tốt nhất các tài nguyên du lịch vùng, các địa phương gắn kết với TP.HCM và Cần Thơ, các cụm du lịch phía đông, phía tây ĐBSCL.
Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch. Tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ đối với du lịch toàn vùng mà còn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến địa bàn liên kết nói chung với tư cách là một điểm đến thống nhất và đến lãnh thổ của từng chủ thể liên kết nói riêng.
Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường khi yếu tố cạnh tranh ngày một trở nên gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể hành chính trong mỗi vùng, mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Các tỉnh ĐBSCL có mô hình du lịch gần giống nhau, và đến lúc cần xây dựng mô hình mới để hút khách - Ảnh: C.QUỐC
Tránh chuyện đi một tỉnh đã biết cả vùng ĐBSCL
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng liên kết du lịch TP.HCM - ĐBSCL cần dựa trên 3 trụ cột: liên kết phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch kết nối và nguồn nhân lực du lịch.
Trước tiên là các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không liên vùng cần được kết nối tốt. Hệ thống khách sạn, điểm lưu trú, tour, tuyến du lịch phải là một "blockchain du lịch" gắn kết thành hệ thống để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính khác biệt hấp dẫn du khách, tránh tình trạng du khách đi một tỉnh biết cả vùng ĐBSCL như vừa qua hoặc đến các đô thị miền Tây vẫn là các hoạt động vui chơi mà ở TP.HCM du khách có thể tận hưởng tốt hơn.
HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện