Tại hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 vừa được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa, những nhà làm phim, doanh nghiệp và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trước đại dịch Covid-19, đóng góp của du lịch vào GDP đạt 9,2%. Các ngành công nghiệp văn hóa cũng đóng góp khoảng 3,6% vào GDP.
Bước đầu, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã bước đầu tạo ra các hiệu ứng du lịch, gia tăng giá trị thương hiệu của địa phương. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ đã đánh thức tiềm năng vùng đất Phú Yên. Phần lớn các hãng lữ hành đều cho biết, sở dĩ nhiều du khách nô nức mua tour đến Phú Yên vì quá mê mẩn những cảnh đẹp được quay trong bộ phim. Còn bộ phim Kong: Đảo đầu lâu được quay tại Ninh Bình đã góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương này.
Gần đây nhất, bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách do Netflix quay tại 5 điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam gồm Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hội An và Hà Giang. Chỉ sau 4 ngày công chiếu đã xuất sắc lọt vào vị trí thứ 3 phim tiếng Anh được truy cập nhiều nhất trên toàn cầu với 13,4 triệu giờ xem; trong top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như 77 quốc gia trên toàn cầu. Đây là minh chứng sống động nhất cho sự lôi cuốn, hấp dẫn khán giả toàn cầu với cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, dù là một quốc gia có cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đa dạng, nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài.
Việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả được tiềm năng, lợi thế sẵn có. Lâu nay, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch... đều đi “một mình một đường”, trong khi “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
Ông đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hợp tác gắn điện ảnh với quảng bá du lịch.
Cùng với đó, cần giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp để tăng tính cạnh tranh như tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục cho các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam; chính sách ưu đãi về thuế, phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí; miễn giảm chi phí lưu trú vé vào danh lam thắng cảnh; thu hút đầu tư xây dựng phim trường chuyên nghiệp…
Hiến kế quảng bá du lịch thông qua điện ảnh
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết năm 2022, phục hồi sau đại dịch Covid-19, thành phố đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế; 31,2 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch là 131,1 nghìn tỷ đồng.
Do một số yếu tố khách quan, thành phố chưa đón được lượng khách quốc tế như kỳ vọng so với năm 2019 nhưng ngành du lịch thành phố định hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao cùng các dịch vụ để tăng doanh thu du lịch. Chính vì vậy, tổng doanh thu du lịch của thành phố năm 2022 bằng 95% so với năm 2019 (tổng thu du lịch 140 nghìn tỷ đồng).
Triển lãm ảnh để quảng bá du lịch và điện ảnh tại tỉnh Khánh Hòa diễn ra vào giữa tháng 6/2023.
Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức những chương trình quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm. Trong đó, có chương trình “Mỗi quận/huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”.
“Các địa phương trong thành phố đều có những sản phẩm du lịch đặc trưng để chúng tôi cung cấp cho các doanh nghiệp lữ hành 66 tour du lịch mới. Việc này không chỉ góp phần tăng số lượng sản phẩm du lịch mà còn giúp cho du khách trong nước và quốc tế biết thêm về du lịch Tp.HCM. Từ đó, người làm du lịch và người dân địa phương có thêm nguồn sinh kế mới.
Ngoài ra, thành phố còn thực hiện những chương trình, kế hoạch quảng bá các sản phẩm du lịch mới như tổ chức cuộc thi phim quảng bá du lịch thành phố, thi ảnh đẹp… Một trong những chương trình nổi bật là cuộc thi check–in của du lịch Tp.HCM thu hút nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ”, ông Hòa thông tin.
Trong giai đoạn phục hồi, thành phố thống kê có được 366 tài nguyên về du lịch. Những tài nguyên này được đưa lên các nền tảng như google map … để nhiều người biết đến.
Ông Hòa cho biết một số sản phẩm điện ảnh đã góp phần xúc tiến quảng bá du lịch Tp.HCM như Hành trình tình yêu của khách du lịch, Người tình, Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng… Bên cạnh những tác phẩm điện ảnh quốc tế, Việt Nam cũng có một số tác phẩm điện ảnh với những cảnh quay quảng bá hình ảnh du lịch Tp.HCM được công chiếu ở quốc tế như Hai Phượng; Lật mặt: Nhà có khách; Bố già (2021); Song Lang; Cô Ba Sài Gòn.
ông Justin Kim, CEO CJ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phối hợp với các địa phương để sản xuất phim.
Trong khi đó, ông Justin Kim, CEO CJ Việt Nam cho biết, ở Hàn Quốc các nhà làm phim nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương (từ chỗ ăn ở cho đến tiền mặt). Và, các bộ phim cũng đã giúp các điểm du lịch thu hút rất lớn lượng khách du lịch như phim Homtown Chachacha đối với Pohang, Xin chào ông bố của tôi với Busan…
Ở Việt Nam, CJ Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ rất lớn từ các tỉnh Quảng Nam (phim Cô gái đến từ hôm qua), Quảng Bình (phim Người bất tử), Lâm Đồng (phim Tháng năm rực rỡ)… Các phim đã giới thiệu được nhiều cảnh đẹp của các tỉnh này đến với khán giả Việt Nam và quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Justinkim, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam ban hành quy trình xin phép làm phim để việc làm thủ tục nhanh hơn. Bên cạnh đó, cần có những cuộc gặp gỡ giữa chính quyền địa phương với các hiệp hội điện ảnh, các nhà làm phim để tìm tiếng nói chung.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để phát triển du lịch qua điện ảnh.
Cũng tại hội nghị, bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch Điều hành Galaxy Studio đã dẫn ra các trường hợp ở Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia hỗ trợ rất lớn cho các đoàn làm phim.
Đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập tại Việt Nam trong quá trình làm phim như chưa phát triển mạnh mẽ nguồn lực và chiến lược quảng bá đất nước đến các đoàn làm phim quốc tế; chưa có quy định pháp lý rõ ràng liên quan đến việc quay phim; quá trình xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, công sức gây tăng chi phí, làm chậm tiến độ của các dự án quốc tế; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực của ngành làm phim ở Việt Nam cũng còn hạn chế…
“Chúng ta cần thực hiện số hóa du lịch, điện ảnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính việc cấp phép làm phim, tích hợp nhiều giấy phép con trong một giấy phép lớn; hỗ trợ, giảm giá về dịch vụ ăn ở cho các đoàn làm phim.
Về lâu dài, cần có hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho các đoàn làm phim quốc tế và trong nước… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần liên kết với các đoàn làm phim tăng cường truyền thông địa điểm để thu hút khách”, bà Hương đề xuất.
Bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch Điều hành Galaxy Studio đưa ra ý kiến tại hội nghị.
Với góc nhìn một người nước ngoài làm phim ở Việt Nam, đạo diễn Aron Toronto (Mỹ) đánh giá trong khoảng 20 năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh, dù vẫn còn kém so với nhiều nước trong khu vực châu Á. Đó là tín hiệu vui cho ngành điện ảnh Việt Nam, tương lai của điện ảnh của Việt Nam rất xán lạn.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực, đạo diễn Toronto đề xuất, Việt Nam cần lập Quỹ phát triển điện ảnh quốc gia; kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn tham gia đầu tư sản xuất phim; các địa phương cũng nên có sự hỗ trợ, nhà nước có chính sách giảm thuế cho các đoàn làm phim... Bên cạnh đó, cần tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và các nhà làm phim.
Châu Tường