Ngày 9-9, tại hội thảo "Du lịch không rác thải nhựa" với sự chứng kiến của UNESCO, cộng đồng các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch tới Hội An, Mỹ Sơn đã ký cam kết để thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch du lịch không rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An - ký cam kết vào nỗ lực thúc đẩy du lịch sạch, bền vững - Ảnh: B.D
Việc đặt hội thảo cũng như một dấu mốc để xác định tư duy đầu tư có lợi nhuận sang đầu tư sinh thái, vì tương lai lâu dài đối với các doanh nghiệp, du khách tới Hội An và Mỹ Sơn.
18-20% rác thải nhựa thải ra mỗi ngày
Đây là con số cụ thể được ông Phan Xuân Thanh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam - nêu ra tại hội thảo với sự có mặt của 200 nhà khoa học, doanh nghiệp, các chuyên gia và đại diện UBND tỉnh Quảng Nam. Ông Thanh cho biết tới nay toàn tỉnh Quảng Nam đón 6,5 triệu lượt khách, hoạt động này chủ yếu diễn ra ở di sản Hội An và Mỹ Sơn. Bình quân mỗi ngày tỉnh Quảng Nam thải ra 660 tấn rác, trong đó Hội An thải khoảng 92 tấn/ngày.
Hoạt động du lịch trên sông Hoài đang tạo ra nhiều rác thải - Ảnh: B.D
Đáng lo ngại nhất, trong số rác ùn ứ ra môi trường mỗi ngày, hiện nay số rác thải nhựa thuộc diện khó xử lý, độc hại cho môi trường chiếm tới 18-20%.
Điều đáng mừng là hiện nay nhiều doanh nghiệp, hãng lữ hành và cả du khách tại các địa điểm du lịch lớn đã bắt đầu dịch chuyển qua hoạt động du lịch thân thiện, bền vững. Nhiều nhà hàng đến nay không còn dùng ống hút nhựa. Ở Hội An, chai đựng nước bằng nhựa gần như đã được triệt tiêu ở khối chính quyền và tại các địa điểm du lịch cũng đang triển khai mạnh mẽ việc này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng Quảng Nam rất tự hào vì có hai di sản thế giới được UNESCO công nhận và một khu dự trữ sinh quyển thế giới là Cù Lao Chàm. Nhưng tất cả những giá trị này nếu không biết cách để trau dồi, gìn giữ, đặc biệt là vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường thì sự trả giá vào tương lai cho người dân sẽ chẳng lấy gì làm tốt đẹp.
Cù Lao Chàm bị xâm hại nghiêm trọng từ các hoạt động du lịch thiếu tôn trọng tự nhiên - Ảnh: B.D
Các CEO của các hãng lữ hành lớn trên thế giới, các chuyên gia về môi trường sinh thái và đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng đang xuất hiện những nguy cơ rất lớn cho môi trường mà thế giới mới đây đã có cảnh báo với Việt Nam liên quan đến rác thải biển, rác thải từ đồ nhựa.
Du lịch không rác thải nhựa sẽ là "thương hiệu"
Ông Michael Croft - trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - cho rằng với Hội An, Mỹ Sơn bây giờ không phải là chuyện lo thiếu khách nữa mà là làm sao giữ được giá trị cốt lõi của di sản. Cần có một chiến lược hành động cụ thể đối với hoạt động du lịch bền vững, đưa ra thông điệp mạnh mẽ, thông điệp và khẩu hiệu đó bắt buộc phải làm chứ không thể kêu gọi suông.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, UNESCO cùng các doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo - Ảnh: B.D
Các chuyên gia đều cho rằng du lịch hiện nay không còn là trải nghiệm, thụ hưởng nữa mà ngay cả khách hàng cũng đã có tư duy khác. Họ xem sự văn minh, đối xử thân thiện với môi trường của từng khách sạn, từng hãng lữ hành, từng khu du lịch, khu di sản là một tiêu chí để đánh giá sức hấp dẫn.
Theo ông Phan Xuân Thanh, hiện nay lựa chọn của du khách cũng đã rất cao, họ không chỉ muốn được sử dụng dịch vụ tốt mà còn đòi hỏi phải "xanh", sinh thái, thân thiện với môi trường. Nếu doanh nghiệp, cơ sở du lịch không tuân thủ theo xu hướng này thì sẽ tự hủy hoại công việc của chính mình.
"Trách nhiệm"
Tại hội thảo, khi được yêu cầu nói một câu để thể hiện thông điệp của bản thân, ông Lê Trí Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã nói rằng ông lựa chọn từ "Trách nhiệm". "Trách nhiệm với bản thân, với môi trường, với xã hội. Việc chúng ta nói hạn chế rác thải, hạn chế ô nhiễm và đi theo phát triển bền vững phải bắt đầu từ hôm nay" - ông Thanh nói.Thay đổi thói quen để bớt rác thải nhựa: Ai ý thức hơn?
TTO - Rác thải nhựa, hạn chế được không? Câu trả lời là được nếu mỗi người tự bỏ dần thói quen, dù chỉ với hành vi nhỏ hằng ngày.
THÁI BÁ DŨNG