Trẻ em thường thích vui chơi, lơ là việc học. Điều này thực sự là nỗi lo lắng lớn của các bậc cha mẹ.
Kể từ khi bé cắp sách tới trường thì lo lắng, thúc giục trẻ học bài luôn là việc đau đầu của các bậc cha mẹ. Mỗi lần nhắc trẻ học bài thì chúng thường phản ứng bằng những cách khác nhau, nhưng chung quy là tức giận và khó chịu. Trên thực tế, không hẳn trẻ không muốn học bài, chỉ là do cha mẹ chưa có phương pháp phù hợp để dạy trẻ mà thôi. Nếu chưa tìm được phương pháp phù hợp thì các bậc cha mẹ có thể tham khảo những bí quyết rất bổ ích dưới đây nhé.
Có thời gian cố định
Làm thế nào để trẻ em tự giác làm bài tập về nhà (Ảnh minh họa)
Phương pháp khá hữu ích ở đây chính là việc xác định khung thời gian nhất định cho trẻ để học bài. Sau khi hoàn thành bài tập trong khoảng thời gian đó, những đứa trẻ sẽ được thưởng bằng những đồ ăn chúng thích hoặc đơn giản là những lời khen, động viên khích lệ tinh thần cho trẻ.
Nhưng phương pháp này có thể gây tác dụng ngược nếu cha mẹ ép cho trẻ phải hoàn thành việc nào đó mà thời gian không đủ, trẻ sẽ đối phó và chất lượng của việc học sẽ không cao. Cha mẹ nến động viên trẻ bằng những câu như: "Wow, con thật giỏi, mẹ nghĩ con sẽ hoàn thành tốt bài tập về nhà trong khoảng thời gian này", "nếu con không thấy thoải mái, hãy dừng lại và chúng ta sẽ đi dạo một lát để lấy lại tinh thần nhé". Nhưng câu nói động viên, khích lệ này sẽ giúp thay đổi suy nghĩ của trẻ, vô tình sẽ không tạo áp lực và giúp trẻ thoải mái hơn trong việc hoàn thành bài tập về nhà.
Không gian học phù hợp
Một số đứa trẻ có tính kỷ luật hơn sẽ làm bài tập ngay sau khi ở trường về. Mặc dù trẻ có thể làm bài tập ngay sau khi đi học về nhưng điều đó không có nghĩa rằng trẻ hoàn toàn tập trung vào bài tập của mình. Trẻ không tập trung bởi thời gian làm bài thường kéo dài, dàn trải và những tác động từ bên ngoài như tiếng ồn, mùi vị của thức ăn... Lúc này cha mẹ cần kéo trẻ trở lại sự tập trung khi làm bài để đạt hiệu quả nhất, nếu trẻ vướng mắc chỗ nào thì cha mẹ hãy cùng trẻ tháo gỡ và hãy dành cho trẻ một không gian yên tĩnh nhất để học bài.
Phương pháp yêu cầu trực tiếp
Nếu hai phương pháp trên không hiệu quả, cha mẹ nên áp dụng phương pháp này, đó chính là yêu cầu trẻ phải hoàn thành bài tập về nhà trong khoảng thời gian nhất định. Nếu không hoàn thành, đứa trẻ phải mang điều đó đến trường và cô giáo sẽ được cha mẹ thông báo về việc trẻ chưa hoàn thành về nhà, cô giáo sẽ phạt trẻ. Nếu thời gian quá ngắn thì cha mẹ nên trao đổi với trẻ để đưa ra khoảng thời gian thích hợp nhất.
Tuy nhiên, điều đặc biệt cha mẹ phải chú ý nếu sử dụng phương pháp này đó chính là duy trì sự bình tĩnh, thoải mái cho trẻ. Nếu không thì trẻ sẽ bị cuống, nổi loạn và chống đối.
Trên thực tế, việc này không hề đơn giản và cần sự quan tâm, chia sẻ của cha mẹ dành cho con cái. Hiểu được trẻ và có phương pháp phù hợp là hướng đi đúng đắn nhất dành cho sự phát triển của trẻ.