Đoàn kiểm tra số 3 của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Quảng Nam về công tác chuẩn bị cho kỳ thi hôm nay (12/6).
Báo cáo về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết năm 2024, tỉnh Quảng Nam có 17.428 thí sinh đăng ký dự thi với 56 điểm thi. Kỳ thi năm nay, tỉnh Quảng Nam huy động 3.202 người tham gia phục vụ kỳ thi.
Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện tổ chức thi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam thông tin tất cả 56 điểm thi có đủ phòng thi để bố trí thí sinh đảm bảo quy định về số lượng, khoảng cách. Các điểm thi có thí sinh dự thi không đủ 3 môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp đều có đủ phòng chờ vào, phòng chờ ra. Các phòng thi, phòng chờ được bố trí điện, quạt đảm bảo ánh sáng và thoáng mát.
“Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao, với nhiều địa bàn khó khăn, thiếu thốn trong việc dạy và học. Chính vì vậy, trong chủ trương phát triển giáo dục, đặc biệt là trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỉnh rất quan tâm đến việc tạo điều kiện, hỗ trợ các trường học và các thí sinh khu vực miền núi.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam.
Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn hỗ trợ ôn tập thi tốt nghiệp THPT trực tiếp cho các đơn vị thuộc các vùng khó khăn có ít giáo viên, đội ngũ giáo viên còn trẻ về tuổi nghề”, ông Thái Viết Tường thông tin.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao kết quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Nam trong những năm qua. Thứ trưởng chia sẻ, năm nay, Ban chỉ đạo thi của tỉnh cũng như cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT đã chuẩn bị tương đối đầy đủ cho kỳ thi, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của Bộ GD&ĐT để triển khai.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Ban chỉ đạo thi tỉnh Quảng Nam quán triệt tinh thần, vai trò, ý nghĩa của kỳ thi, cũng như trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Kết quả của kỳ thi không chỉ là để xét tốt nghiệp THPT, mà còn là căn cứ để đánh giá hoạt động dạy và học tại các địa phương, các cơ sở giáo dục, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
“Đây là kỳ thi dù đã phân cấp cho các địa phương, nhưng vẫn sử dụng đề thi chung toàn quốc, vì vậy, chỉ cần sai sót ở một địa điểm thi, cũng sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của toàn ngành, đến thành công chung của kỳ thi toàn quốc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị tập trung cao độ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chịu trách nhiệm ở địa bàn của mình, huy động các nguồn lực, sự chung tay của tất cả các ban ngành tham gia, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng quy chế, an toàn và nghiêm túc. Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Trong nhiều nhiệm vụ phải làm của địa phương để tổ chức tốt kỳ thi, Thứ trưởng nhấn mạnh 3 nội dung. Thứ nhất, Ban chỉ đạo thi của tỉnh bên cạnh việc ban hành các văn bản, công tác chuyên môn, quan trọng nhất là cần phân công rõ trách nhiệm của các ban ngành, cho đến từng cá nhân.
Cần tập huấn kĩ, chuyên sâu theo yêu cầu nhiệm vụ của tất cả các bộ phận tham gia kỳ thi. Cuối cùng, công tác kiểm tra cần kỹ lưỡng từng chi tiết, tuyệt đối không chủ quan, kiểm tra nhiều lần, tự kiểm tra, kiểm tra chéo, trong tất cả các khâu.
Thứ trưởng cũng lưu ý tới việc đảm bảo tính an toàn, bảo mật của đề thi và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, đặc biệt là những thí sinh ở vùng núi, vùng khó khăn; nhắc nhở, phổ biến quy chế cho thí sinh để đảm bảo các em được dự thi thuận lợi nhất.