Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến. Nội dung đáng chú ý là đề xuất ban hành Luật thuế Bất động sản.
Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị đánh thuế đối với toàn bộ diện tích đất ở và nâng thuế suất cao hơn mức hiện nay (0,03%) là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân, mức thuế suất cần được tính toán cho phù hợp với khả năng nộp thuế của người dân.
Riêng đối với nhà, đất lấn chiếm; nhà, đất bỏ trống; nhà, đất chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng; nhà đất sử dụng chưa đúng mục đích, Bộ Tư pháp đề nghị áp thuế suất cao nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ bất động sản.
Ngay khi những đề xuất này đưa ra, các chuyên gia đã có những ý kiến đồng tình và không đồng tình với một số đề xuất.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay, đánh thuế đất phải sớm kiện toàn nhất, theo định hướng của Nghị quyết 18 là hoàn toàn đúng. Tức là cần có tỷ suất thuế cao đối với những người có đất nhưng không sử dụng. Còn thuế nhà cần có lộ trình đến thời điểm nhất định hãy đưa vào.
Chuyên gia cho rằng, với nhà đất bỏ hoang, không sử dụng đánh thuế cao, còn nhà đất lấn chiếm cần thẳng tay thu hồi. (Ảnh: Nguyễn Lê)
“Đất lấn chiếm cần thẳng tay thu hồi, nếu đánh thuế coi như thừa nhận việc lấn chiếm. Để nghiêm minh, đất đã lấn chiếm thì thu hồi; còn những trường hợp có đất đúng pháp luật mà không sử dụng thì mới tính thuế với tỷ suất cao”, ông Võ nêu quan điểm.
Riêng với đất bỏ hoang, không sử dụng dứt khoát phải đánh thuế với tỷ suất cao để người có đất phải đưa vào sử dụng. Nhưng cũng cần phải có chính sách khuyến khích giảm thuế nếu sử dụng đất tốt, hiệu quả cao. Đây là phương thức cải cách thuế, không chỉ nhăm nhăm nâng tỷ suất thuế mà không có sự động viên sử dụng đất hiệu quả.
Với đề xuất nâng thuế suất đất ở cao hơn mức hiện nay (0,03%), theo ông Võ, hiện thu nhập của người dân chưa cao nên chưa nâng vội.
“Hãy giữ nguyên mức đồng nhất như hiện tại, nhưng sẽ có lộ trình nâng tỷ suất song song với việc nâng thu nhập với người lao động. Đó là cách thức tiếp cận đúng nhất”, ông Võ nói.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng, việc đánh thuế nhà đất các quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng. Họ phân chia việc sở hữu nhà và sở hữu đất để từ đó có việc đánh thuế phù hợp. Có thể xem xét việc đánh thuế trong định mức và ngoài định mức sử dụng đất. Còn khi áp dụng ở Việt Nam rất cần xem xét đưa ra mức thuế phù hợp.
Ông Thịnh đồng tình với việc đánh thuế cao với nhà đất chưa đưa vào sử dụng; nhà đất bỏ trống để buộc chủ tài sản đưa vào khai thác, sử dụng hợp lý.
Còn với nhà đất lấn chiếm ông Thịnh cũng nói thẳng: “Cần phải thu hồi lại, chứ không nên đánh thuế".
Với đề nghị đánh thuế đối với toàn bộ diện tích đất ở và nâng thuế suất cao hơn mức hiện nay (0,03%), ông Thịnh cho hay, hiện mức thuế đất ở của chúng ta so với các nước trên thế giới đang ở mức trung bình thấp; song cần thiết xem xét mức đánh thuế phù hợp.
“Bởi lẽ, cơ sở để chúng ta đưa ra mức thuế không chỉ phụ thuộc vào giá trị tài sản mà còn phụ thuộc vào mức sống, mặt bằng chung của xã hội... Cần cân nhắc để khi muốn nâng một mức thuế nào đó thì người dân phải thực hiện được”, ông Thịnh nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, cho PV. VietNamNet hay, nhà đất lấn chiếm sở hữu là của Nhà nước, người lấn chiếm chỉ sử dụng, không mua, không chuyển đổi và không có quyền nên chuyện thu hồi là tất yếu. Song, theo ông, cũng có thể đánh thuế ở mức thật cao, cao nhất với đối những nhà, đất lấn chiếm này.