Giai thoại ly kỳ về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Kỳ 2): Quân sư của nhiều bậc đế vương

18/03/2024 01:18

Sử sách ghi nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, coi ông là "nhà tiên tri" số một nước Việt với những lời tiên đoán chính xác về các biến cố của dân tộc.

Tài học Trạng Trình

Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cất công vào tận xứ Thanh để tầm sư học đạo.

Bảng nhãn Lương Đắc Bằng từng là một đại thần giữ chức Thượng thư dưới triều Lê sơ nhưng sau khi những kế sách nhằm ổn định triều chính do ông đưa ra không được vua Lê cho thi hành, Lương Đắc Bằng đã cáo quan về quê sống đời dạy học (1509).

Giai thoại ly kỳ về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Kỳ 2): Quân sư của nhiều bậc đế vương

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ được ghi nhận là một trong những nhà văn hóa lớn mà còn nổi tiếng với tài tiên tri.

Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn sáng dạ, thông minh lại chăm chỉ học hành nên chẳng bao lâu đã trở thành học trò xuất sắc nhất. Trước khi qua đời, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng đã trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học là Thái Ất thần kinh. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhờ nghiên cứu cuốn sách này mà thông suốt được mọi việc trong quá khứ, tương lai.

Lớn lên trong thời đại loạn lạc (giai đoạn triều Lê sơ rơi vào khủng hoảng, suy tàn) nên suốt hơn 20 năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua tới 9 kỳ đại khoa (trong đó có 6 khoa thi dưới triều Lê sơ).

Tới thời vua Mạc Đăng Doanh là thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi. Khoa thi Hương năm 1534 ông đỗ đầu, sau đó ông đỗ đầu hai kỳ thi Hội, thi Đình năm 1535, đoạt danh hiệu Trạng nguyên. Năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngoài 40 tuổi.

Giai thoại ly kỳ về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Kỳ 2): Quân sư của nhiều bậc đế vương

Nguyễn Bỉnh Khiêm cho dựng Am Bạch Vân để dạy học.

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Làm quan trong triều được nhà Mạc trọng vọng nhưng sau khi Mạc Phúc Hải lên ngôi, trước cảnh triều đình nhiễu nhương, năm 1542, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về quê.

Tại quê nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học bên cạnh sông Tuyết (hay sông Hàn) ở quê nhà. Vì vậy, sau này, các môn sinh tôn ông là "Tuyết Giang phu tử".

"Quân sư" của nhiều bậc đế vương

Dù đã cáo quan, về quê ở ẩn nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn đảm nhận nhiều việc triều chính, là “cố vấn” cho các tập đoàn phong kiến đương thời Trịnh, Mạc, Nguyễn về việc quân quốc, trọng sự.

Sử sách cũng thừa nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, coi ông là "nhà tiên tri" số một nước Việt với bản "Sấm Trạng Trình" là những lời tiên đoán về các biến cố chính của dân tộc trong khoảng 500 năm.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: "Vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc còn triệu ông về kinh để hỏi mưu lớn". "Ông học rộng, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa, phúc việc gì cũng biết trước".

Giai thoại ly kỳ về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Kỳ 2): Quân sư của nhiều bậc đế vương

Bạch Vân thi tập của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Dưới triều vua Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11, Nguyễn Bỉnh Khiêm lâm bệnh nặng. Lúc này tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến vấn an và hỏi quốc sự.

Ông chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên". Nghĩa là sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời. Trước khi ông mất, nhà Mạc xin ý kiến tồn tại thế nào, ông đọc hai câu thơ: “Cao Bằng tàng tại – Tam đại tồn cô”. Nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa.

Bảy năm sau, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), quân nhà Lê tiến ra Bắc chiếm lại thành Thăng Long, nhà Mạc lên Cao Bằng chọn vùng trung tâm Hòa An đóng đô, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, lấy Na Lữ (xã Hoàng Tung, Hòa An) và Cao Bình (xã Hưng Đạo, nay thuộc Thành phố Cao Bằng) là đế đô, lập vương phủ ở Cao Bình.

Nhà Mạc ở Cao Bằng 84 năm (1593 - 1677) trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Mạc Kính Vũ (1677) thì bị nhà Lê đánh bại.

Giai thoại ly kỳ về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Kỳ 2): Quân sư của nhiều bậc đế vương

Trường Xuân Kiều - Cây cầu do Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt tên

Về phía Nguyễn Kim và con rể Trịnh Kiểm trung hưng nhà Lê (sử gọi Lê Trung Hưng), năm 1545 ông bị đầu độc chết. Mọi quyền hành đều rơi vào tay của Trịnh Kiểm, trở thành người quyền lực “hô mưa gọi gió” dưới triều Lê.

Nguyễn Hoàng – con trai út của Nguyễn Kim lo sợ tính mạng của mình bị đe doạ đã cho người đến hỏi ý kiến về việc lánh nạn, Nguyễn Bỉnh Khiêm thủng thỉnh đi ra sau vườn ngắm hòn non bộ và nói: “Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”. Nguyễn Hoàng hiểu ý và nhờ chị gái xin với Trịnh Kiểm vào trấn Quảng Thuận và được chấp thuận.

Năm 1558 Nguyễn Hoàng cùng gia tộc khăn gói vào Nam, từ đó cơ nghiệp nhà Nguyễn bắt đầu. Chỉ một câu nói của Trạng Trình, đã mở ra cả một gia tộc triều Nguyễn với 9 Chúa (1558-1802) và 13 đời Vua Nguyễn (1802-1945).

Năm Thuận Bình thứ 8 nhà Lê (1556) khi vua Trung Tông mất khi không có con, Trịnh Kiểm muốn thừa cơ chiếm ngôi vua, song còn ngại lòng dân nên còn chưa dám bèn bí mật sai sứ giả đem lễ vật đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về sự thành bại của ý định này.

Theo sách "Giai thoại và sấm ký Trạng Trình", khi được sứ giả hỏi, Nguyễn Bỉnh Khiêm không trả lời thẳng mà bảo gia đồng rằng: "Năm nay không được mùa vì lúa giống không tốt, các ngươi nên tìm giống cũ mà trồng”. Sau đó ông lại sai người ra chùa quét dọn, thắp hương, đồ lễ cúng, Trạng Trình mới nói: "Giữ chùa thờ phật thì được ăn oản” .

Sau khi sứ giả về thuật lại chi tiết những lời nói của Trạng Trình, chúa Trịnh hiểu ý bèn từ bỏ ý định làm vua và đưa người cháu năm đời của Lê Trừ (tức anh ruột của vua Lê Thái Tổ) là Duy Bang lập lên làm vua tức vua Lê Anh Tông và quả nhiên dựng lại được cơ đồ nhà Lê mà họ Trịnh cũng nhiều đời được vinh hiển đúng với câu "Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong".

-> Xem thêm: Kỳ 1 - Phụ mẫu mâu thuẫn trong việc dạy con-> Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 3 - Tài tiên tri khiến thiên hạ bội phụcNhóm PVTags:Giai thoại ly kỳ về Trạng Trình, giai thoại về Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuộc đời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm,

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Giai thoại ly kỳ về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Kỳ 2): Quân sư của nhiều bậc đế vương - Tin Mới