Cách đây không lâu, một tập phát sinh của chương trình tạp kỹ dành cho trẻ em So What About My Age của đài JTBC Hàn Quốc đã khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Chủ đề là thảo luận về tiêu chí lựa chọn cha mẹ của con cái.
Một bé gái 6 tuổi khi được hỏi thích chọn cha mẹ giàu có nhưng không lo cho gia đình hay cha mẹ lo cho gia đình nhưng không có tiền, bé trả lời không chút do dự chọn cha mẹ giàu có. Cô bé cũng cho biết bản thân không muốn tiếp tục sống trong căn nhà nhỏ của mình mà mong muốn được ở một nơi rộng rãi, đẹp đẽ.
Một cậu bé khác khi được hỏi cùng câu hỏi cũng trả lời: “Con cũng muốn chọn cha mẹ giàu có. Nếu bố mẹ con không có tiền thì dù có lo toan cho gia đình, tất cả những gì họ để lại chỉ là những ký ức tồi tệ.”
Ảnh minh họa.
Dù lời nói của trẻ không kiềm chế nhưng cả khách mời có mặt và đại đa số cư dân mạng xem video đều tỏ ra thất vọng. Thậm chí có phụ huynh còn tức giận đến mức gọi những đứa trẻ này là "bất hiếu".
Tuy nhiên, nếu phân tích ở góc độ lý trí, chúng ta không nên trách trẻ em khi đưa ra những nhận xét như vậy. Trên thực tế, đây là vấn đề đáng suy ngẫm về cách giáo dục con cái của nhiều bậc phụ huynh.
Mọi người đều có quyền khao khát và lựa chọn "cái đẹp". Trong thế giới của trẻ em, chúng dễ bị thu hút bởi những mặt tươi đẹp hay sự hào nhoáng của cuộc sống. Chỉ cần bạn bè có quần áo đẹp, có đồ chơi mới,... sự so sánh sẽ lớn dần trong lòng những đứa trẻ. Điều này làm nảy sinh quan điểm riêng về vấn đề nên chọn kiểu cha mẹ nào.
Người nghèo không nên sinh con?
Trên mạng xã hội chắc hẳn không ít người đã từng bắt gặp những quan điểm như "không có tiền thì không nên có con". Phải khẳng định rằng có tiền sẽ thuận lợi hơn trong việc nuôi dạy con cái nhưng giàu hay nghèo không quyết định việc nên có con hay không.
Có điều trước khi có con, chúng ta phải có tầm nhìn xa và khả năng đoán trước nhất định. Nếu không chắc khả năng tài chính của mình có đủ nuôi con hay không thì việc kết hôn muộn và sinh con muộn quả thực là một lựa chọn đúng đắn.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, một số người dù gia đình nghèo khó vẫn tích cực, lạc quan. Điều này xuất phát từ không khí gia đình tràn ngập yêu thương. Tình yêu này không chỉ là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái mà còn là tình yêu thương giữa cha mẹ với nhau. Vì vậy tình yêu thương và sự hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ là rất cần thiết.
Nuôi dạy thế nào để con không quá coi trọng vật chất?Dạy con về tiền
Một nghiên cứu do các tác giả của Đại học Illinois và Đại học Minnesota năm 2014 cho thấy hành vi của trẻ em thay đổi sau khi chúng tiếp xúc với tiền.
Trong nghiên cứu đó, 550 đứa trẻ từ 3 - 6 tuổi đã trở nên ít giúp ích và ít hào phóng hơn sau khi tiếp xúc với tiền. Tuy nhiên, tiếp xúc với tiền cũng khiến chúng làm việc chăm chỉ hơn.
Chính vì vậy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Theo các chuyên gia, thay vì dễ dãi thỏa mãn các yêu cầu của trẻ khi trẻ đòi mua sắm những thứ chúng thích, nên tập trung bồi dưỡng ý thức về giá trị đồng tiền, để trẻ hiểu cách tiêu tiền. Cần dạy trẻ hình thành dần tư duy tài chính, có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên lấy câu cửa miệng "Nhà mình nghèo lắm/Nhà chúng ta không có tiền" để cấm cản con mua những đồ chúng thích hoặc muốn xin tiền từ cha mẹ, bởi điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ.
Ảnh minh họa.Hạn chế quà tặng thiên về vật chất
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người quen được khen thưởng từ khi còn nhỏ sẽ tiếp tục tự thưởng cho bản thân sau khi lớn lên. Nếu cha mẹ thưởng con nhiều quà về vật chất, lớn lên các bé cũng sẽ tìm kiếm hoặc đòi hỏi những món quà tương tự.
Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế quà tặng về vật chất và thay bằng những món quà đề cao giá trị tinh thần hoặc đơn giản là khen ngợi bằng lời nói. Ví dụ, thay vì thưởng tiền nếu con đạt điểm 10, bạn có thể đưa con đi sở thú, cắm trại nhằm nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, kết nối các thành viên trong gia đình.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Lòng biết ơn giúp trẻ hiểu ra mọi món đồ đắt tiền đều không tự nhiên mà có, loại bỏ suy nghĩ hạnh phúc chỉ đến từ vật chất. Tập trung vào những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống sẽ xây dựng hạnh phúc đồng thời là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại lòng tham.
Phương Anh (Theo Toutiao)