Bị chó đã tiêm phòng dại cắn, con người có cần tiêm phòng nữa không?

28/06/2024 03:28

( PHUNUTODAY ) - Khi bị chó cắn, con người cần phải đi tiêm phòng dại. Tuy nhiên, trong trường hợp bị chó đã tiêm phòng dại cắn, nhiều người sẽ cảm thấy phân vân không biết bản thân có cần phải đi tiêm nữa không?

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và hiện tại không có thuốc chữa. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiêm phòng dại trước hoặc ngay khi bị chó cắn đề phòng ngừa bệnh.

Ngày nay, các gia đình cũng có ý thức hơn trong việc tiêm phòng dại cho vật nuôi. Cũng chính vì điều này, một số người sẽ đặt ra câu hỏi không biết trong trường hợp bị chó đã tiêm phòng dại cắn thì con người có cần phải đi tiêm phòng nữa hay không?

Bị chó đã tiêm phòng dại cắn, con người có cần tiêm phòng nữa không?

Nhiều người cho rằng chó đã được tiêm phòng dại nên có thể đảm bảo an toàn. Nếu bị con chó đã tiêm phòng cắn thì không sợ bị lây nhiễm bệnh dại nên con người không cần tiêm nữa. Tuy nhiên, đây là cách nghĩ hoàn toàn sai. Sự chủ quan này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ngay cả khi đã tiêm phòng dại, con chó vẫn có nguy cơ bị bệnh dại và có thể lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này cho con người.

Nguyên nhân là do vaccine không ngăn chặn virus 100% mà vẫn có thể có xác suất nhiễm bệnh, phát bệnh khi đã tiêm phòng. Ngoài ra, hiệu quả miễn dịch ở chó cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, có được tiêm nhắc lại đầy đủ không... Bên cạnh đó, khả năng niễm dịch của mỗi con chó là khác nhau. Có những con đã được tiêm vaccine đầy đủ nhưng cơ thể chúng lại chưa đáp ứng được miễn dịch hoàn toàn.

Vì vậy, khi bị chó đã tiêm phòng dại cắn, chúng ta vẫn cần phải đi tiêm phòng cho bản thân để đảm bảo an toàn.

Bị chó đã tiêm phòng dại cắn, con người có cần tiêm phòng nữa không?

Khi bị chó đã tiêm phòng dại cắn, chúng ta vẫn cần phải đi tiêm phòng cho bản thân.

Các bước xử lý khi bị chó cắn

Ngay sau khi bị chó cắn, chúng ta cần sơ cứu, xử lý vết thương. Trường hợp chó cắn vào vùng có quần áo che chắn, hãy cắt bỏ phần vải xung quanh vết cắn để loại bỏ dịch tiết nước bọt của con chó bị ngấm vào vải. Nếu chẳng may con chó bị dại thì đây là cách giảm tải lượng virus có thể xâm nhập vào vết thương.

Sau đó, chúng ta cần rửa vết thương bằng xà phòng đặc và rửa dưới vòi nước chảy. Thời gian rửa vết thương là khoảng 15 phút.

Sử dụng cồn và các loại nước sát trùng để khử trùng cho vết thương. Trường hợp không có cồn, có thể sử dụng rượu trắng nguyên chất để thay thế.

Trong quá trình sơ cứu, xử lý vết thương do chó căn, tuyệt đối không được chà xát mạnh, nặn máu làm vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Tiếp đến, hãy băng bó vết thương lại và di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng dại, tiêm phòng uốn ván.

Lưu ý, khi bị chó cắn có chảy máu thì cần tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt.

Theo Nguồn phunutoday.vn

Bị chó đã tiêm phòng dại cắn, con người có cần tiêm phòng nữa không? - Tin Mới