Suy giảm trí nhớ là căn bệnh người già nhưng thực tế cho thấy các tế bào thần kinh đã bắt đầu bị thoái hóa từ độ tuổi đôi mươi, vì vậy bạn thường xuyên phải chăm sóc trí nhớ của mình.
8 cách chăm sóc tốt trí nhớ của bạn, đừng để nó mất mới tìm (Ảnh minh họa)
TS BS. Trần Công Thắng – Khoa Thần Kinh Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết suy giảm trí nhớ là ngưỡng cửa đầu tiên của bệnh lý mất trí nhớ và cần chăm sóc trí nhớ của mình ngay trước khi nó bị suy giảm.
TS Thắng đưa ra các cách đơn giản để giữ gìn trí nhớ của mình.
Một là, rèn luyện trí óc của mình, theo TS Thắng, tập thể dục sẽ làm cơ thể khỏe mạnh, tập luyện trí óc sẽ làm trí nhớ minh mẫn. Cách rèn luyện là luôn học tập những kỹ năng mới, ví dụ như chơi nhạc cụ, chơi ô chữ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích. Tạo thú vui mới như trồng cây, chạy xe đạp, vẽ tranh, cắm hoa... Tình nguyện làm các công việc xã hội. Đọc sách báo, xem ti vi để theo dõi tình hình trên thế giới và trong nước...
Hai là, tập thể dục giúp máu lưu thông lên não tốt hơn, các cơ quan chậm lão hóa, đặc biệt là các giác quan. Nó giúp chúng ta tiếp nhận các thông tin nhanh hơn và giữ lâu hơn. Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày còn giúp phòng ngừa stress và các bệnh lý gây giảm trí nhớ.
Ba là, xây dựng chế độ ăn nhiều trái cây và rau cải. Đây là thức ăn chứa nhiều chất chống ôxy hóa để bảo vệ tế bào não. Đặc biệt, phải hạn chế chất béo và tránh ăn khuya.
Bốn là, không được uống rượu. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng những người người nghiện rượu lâu năm sẽ bị tổn thương não do thiếu dinh dưỡng, có nguy cơ cao bị giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ.
Năm là, chống căng thẳng, stress, trong cuộc sống hiện nay stress là điều không ai có thể tránh được. TS Thắng cho rằng khi bị stress, não sẽ phóng thích nhiều chất chống stress (ví dụ như cortisol), các chất này quá nhiều có thể gây tổn thương não. Stress kéo dài có thể làm bạn lo âu và trầm cảm, đây là một bệnh lý thường gây giảm trí nhớ.
Chính vì thế, trong lúc làm việc hãy nghỉ vài phút khi thấy quá căng thẳng, hít vào sâu và thư giãn. Khi căng thẳng kéo dài, bạn hãy tập cách đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại công việc, đặt ra các mục tiêu cụ thể và đúng mức cho mỗi ngày, thậm chí phải cắt bỏ bớt công việc để giảm stress đây là cách tốt nhất không chỉ bảo vệ trí não của mình mà còn giảm bớt các bệnh khác.
Sáu là, hạn chế chấn thương, các chấn thương vùng đầu có thể gây tụ máu trong não hoặc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý mất trí nhớ. Hãy bảo vệ đầu bạn khi chơi thể thao và đặc biệt phải đội nón bảo hiểm khi chạy xe máy.
Bẩy là, không hút thuốc lá, TS Thắng cho rằng những người hút thuốc lá có nguy cơ bị Alzheimer và sa sút trí tuệ do bệnh lý mạch máu não gấp hai lần người không hút thuốc. Vì thế, những người hút thuốc lá hãy dừng lại trước khi quá muộn.
Tám là, nếu bạn đang nhớ nhớ, quên quên, hãy tìm tới bác sĩ và chia sẻ với bác sĩ về tình trạng của mình. Các bác sĩ có thể giúp cho bạn hiểu tốt hơn về cơ chế của trí nhớ và gợi ý cho bạn những giải pháp thích hợp (các lời khuyên đơn giản, huấn luyện thực hành trí nhớ).
Bác sĩ sẽ tầm soát các yếu tố bệnh lý có thể làm nặng thêm tình trạng giảm trí nhớ của bạn như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu... cũng như các tật của tai và mắt ảnh hưởng đến sự thu thập thông tin cho trí nhớ.
Công thức giảm cân: Ăn 3 thực phẩm này vào buổi tối, tăng gấp đôi hiệu quả giảm cân, bạn có muốn...