Buổi họp phụ huynh cả mẹ lẫn con đều khóc

10/09/2019 02:10
Một buổi họp phụ huynh mà giáo viên đóng vai trò kết nối phụ huynh - học sinh, nhắc nhớ về giá trị gia đình và qua đó giúp cha mẹ - con cái hiểu nhau nhiều hơn. Có người đã bật khóc...

Một buổi họp phụ huynh mà giáo viên đóng vai trò kết nối phụ huynh - học sinh, nhắc nhớ về giá trị gia đình và qua đó giúp cha mẹ - con cái hiểu nhau nhiều hơn. Có người đã bật khóc...

Buổi họp phụ huynh cả mẹ lẫn con đều khóc

Phụ huynh và học sinh trong mỗi “gia đình” thảo luận về các từ khóa tạo nên hạnh phúc gia đình - Ảnh: V.H.

Đó là những gì diễn ra trong buổi họp phụ huynh đầu tiên của lớp 10D2 Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) do cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm, tổ chức.Cô làm cầu nối cho học sinh "thể hiện"...

Trong phần họp chung, cô Kim Anh dành phần lớn thời gian để các phụ huynh chứng kiến thành quả của các con đã đạt được. Trong đó có các sản phẩm của bài dạy "Nếp nhà" với đề bài "Gấp tủ quần áo". Những hình ảnh trước và sau của tủ quần áo mà học sinh được hướng dẫn làm đã khiến các phụ huynh bật cười. "Nó thay đổi từ hôm vào trường làm tôi cũng ngạc nhiên" - một bà mẹ chia sẻ về con trai.

Cô chủ nhiệm cũng công bố "Lời con muốn nói" được học sinh trong lớp viết. Cô giấu tên, chỉ công bố nội dung. Nhiều học sinh hứa sẽ cố gắng học tốt. Nhưng cũng có bạn viết: "Cha mẹ đừng thu iPad của con được không?", hay "Con muốn tự đi xe đến trường", hoặc "Con đã lớn rồi, con nghĩ cha mẹ cũng nên để con quyết định vài việc trong nhà"...

Cô Kim Anh cho biết có những học sinh đồng ý cho cha mẹ biết mình đã viết gì, cũng có bạn không muốn tiết lộ và cô là người giữ bí mật. Nhưng cô sẽ tìm cách làm "cầu nối" để cha mẹ có thể hiểu điều con muốn nói. Dĩ nhiên có những điều "muốn nói" không phù hợp thì đã được cô giáo trao đổi riêng với các bạn học sinh.

...Và cha mẹ - con cái "nhận ra" nhau

Một phần đặc biệt của buổi họp phụ huynh do cô Kim Anh và cô Lan Anh cùng trường tổ chức. Phụ huynh và học sinh cùng bước vào một phòng lớn, được dán lên ngực hình một con vật ngộ nghĩnh. Phụ huynh và học sinh sẽ tìm "gia đình" của mình theo hình con vật trên ngực. Và ngẫu nhiên nhiều người chưa quen biết trở thành một "gia đình".

Từ đây, mỗi "gia đình" được phát một tờ giấy khổ lớn có hình bông hoa năm cánh. Mỗi cánh hoa sẽ là một từ khóa về hạnh phúc theo quan điểm được bàn bạc thống nhất trong mỗi "gia đình". Từ các câu chuyện, tình huống được trình chiếu trên màn hình, các "gia đình" chọn từ khóa cho nhóm mình.

Nhiều từ khóa đi tìm hạnh phúc gia đình như lạc quan, hài lòng (với những gì mình có), nỗ lực, thấu hiểu... được viết ra. Một cuộc bàn luận sôi nổi giữa các phụ huynh với nhau, phụ huynh với học sinh diễn ra.

Khá nhiều nhóm "gia đình" đã chọn các từ khóa: yêu thương, biết ơn, tôn trọng... và những băn khoăn được tìm lời giải chung như "Thế nào là thành công? Thành công có đồng nghĩa với hạnh phúc không? Hạnh phúc là gì?".

Nhiều người đã cho rằng muốn thành công cần có kiến thức, kỹ năng, có năng lực để vượt qua thách thức. Nhưng để hạnh phúc thì phải biết chấp nhận, đón nhận điều sẽ đến, biết tự điều chỉnh bản thân và biết yêu thương, chia sẻ.

Một phần trò chơi đặc biệt được tổ chức ngay trong buổi này. Những người bất kỳ (phụ huynh hoặc học sinh) được phát băng đeo che mắt. Tất cả đứng trong một vòng tròn mà người bịt mắt được một người bên cạnh mà mình không biết dẫn đi vòng vèo, lúc bước thấp, lúc cao, lúc chui qua khe hở... Có những phụ huynh, học sinh đã khóc trong trải nghiệm này.

"Tôi mất mẹ từ sớm, chỉ còn cha. Ngày thường cha tôi vẫn cố làm lấy mọi việc, không muốn phiền con cái nên chúng tôi cũng thấy bình thường. Nhưng hôm nay khi bị che mắt, cảm giác bất lực khi không thấy gì và phải lệ thuộc hoàn toàn vào người khác khiến tôi lần đầu tiên cảm nhận khó khăn của người cha khi chỉ có một mình" - một phụ huynh chia sẻ.

Quỳnh Anh, học sinh lớp 10D2, tâm sự: "Khi con không nhìn thấy gì và được bàn tay người khác dẫn đi dò dẫm từng bước, con đã nghĩ nhiều đến cha mẹ".

Một học sinh khác là Đỗ Hương Giang chia sẻ em ở trong đội hỗ trợ tổ chức trò chơi, không bị bịt mắt nhưng em nhìn thấy các bạn bị bịt mắt và phụ huynh tận tình nắm tay, chỉ dẫn từng bước đi hoặc phụ huynh được các bạn giúp đỡ là một trải nghiệm đặc biệt.

"Từng cặp phụ huynh - học sinh giúp nhau trên đoạn đường vòng vèo, lúc bước thấp, lúc cao, lúc chui qua khe hở... khiến con liên tưởng về những gì bố mẹ đã làm cho mình. Ý nghĩ ấy làm con xúc động và biết ơn" - Hương Giang chia sẻ.

Buổi họp phụ huynh kết thúc, nhiều phụ huynh làm quen với nhau, chia sẻ với nhau về con cái. Có phụ huynh thừa nhận lâu rồi chỉ "nói chuyện" với con bằng mệnh lệnh vì quá bận rộn và những cơ hội như thế này mới cảm thấy gần con hơn.

Thư gởi phụ huynh đầu năm: hãy dạy con tự học và thương người

TTO - Hãy dạy con năng lực tự học, đó là 'vua' của mọi kỹ năng. Hằng ngày hãy dạy con biết quan tâm giúp đỡ người khác thay vì chỉ biết lo cho mình, giúp cháu nuôi dưỡng lòng nhân ái, tính hào hiệp và biết sống vì mọi người...

 

Theo tuoitre.vn

Buổi họp phụ huynh cả mẹ lẫn con đều khóc - Giáo Dục