Việt Nam đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng?

14/05/2022 06:14
Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi hầu hết mọi người trong cộng đồng đều miễn dịch với bệnh truyền nhiễm. Hiện nay tỉ lệ số ca mắc COVID-19 và số người được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam đều ở mức cao, vậy chúng ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng với COVID-19 hay chưa?

Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi hầu hết mọi người trong cộng đồng đều miễn dịch với bệnh truyền nhiễm. Hiện nay tỉ lệ số ca mắc COVID-19 và số người được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam đều ở mức cao, vậy chúng ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng với COVID-19 hay chưa?

Việt Nam đạt ngưỡng  miễn dịch cộng đồng?

Triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Việt Nam đạt tỉ lệ miễn dịch cao nhưng chưa bền vững

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có hơn 10,6 triệu ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có hơn 100.000 ca nhiễm).

Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là hơn 10,6 triệu ca, trong đó có hơn 9,3 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (hơn 1,5 triệu ca), TP.Hồ Chí Minh (hơn 600.000 ca), Nghệ An (gần 500.000 ca), Bắc Giang (gần 400.000 ca), Bình Dương (gần 400.000 ca).

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay, trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế - cho rằng, bối cảnh dịch bệnh COVID-19  trong dịp nghỉ lễ 30.4 và mùng 1.5 năm nay, với tỉ lệ người nhiễm cao, tỉ lệ tiêm vaccine đạt mức cao, hơn nữa chủng virus Omicron cũng nhẹ, vì vậy, số mắc mới hiện nay và những trường hợp nặng sẽ không tăng đột biến, dịch sẽ không bùng phát sau ngày nghỉ lễ như năm 2021. 

Theo PGS Phu, số theo dõi hằng ngày sẽ không phải thực tế, bởi vì trong giai đoạn này vẫn có những người nhiễm nhưng không báo, số ca nhiễm không triệu chứng không xét nghiệm nhiều hơn trước. Nhưng dù sao, tình hình vẫn có thể không bùng phát nữa nếu như không có sự đột biến về biến chủng của virus.

Trước câu hỏi Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19 hay chưa, PGS Trần Đắc Phu cho biết: Miễn dịch cộng đồng có được bao gồm 2 loại miễn dịch, miễn dịch tự nhiên do mắc phải và miễn dịch có được sau khi được tiêm vaccine. Nếu đạt miễn dịch cộng đồng thì chúng ta phải đạt được 2 tiêu chí về tỉ lệ (số lượng) và hiệu quả (chất lượng).

Về số lượng, là trên 70% người đã có miễn dịch với COVID-19. Tiêu chí về chất lượng, thì hiệu quả của vaccine phải cao. Nếu đạt miễn dịch cộng đồng, thì chúng ta sẽ không phải làm gì liên quan đến COVID-19 nữa, vì tất cả mọi người đều đã được bảo vệ. 

Tuy nhiên, đối với vaccine phòng COVID-19 thì tỉ lệ bảo vệ khoảng 60-90%, có những người đã tiêm rồi nhưng vẫn nhiễm bệnh, thậm chí có người tiêm 3 mũi vẫn nhiễm. Vaccine được chứng minh bảo vệ hiệu quả khỏi bệnh nặng và tử vong. Hơn nữa, có nhiều người mắc rồi có thể tái nhiễm.

Từ 2 yếu tố này, có thể đánh giá hiệu quả của miễn dịch là không bền vững. Vì thế miễn dịch cộng đồng chưa thể đạt được đến mức chúng ta không phải đề phòng với bệnh COVID-19 nữa. Chúng ta vẫn phải tiêm vaccine, vẫn phải phòng tránh bệnh.

"Đối với một số loại vaccine khác như sởi hay bại liệt, khi tiêm vaccine thì sẽ có miễn dịch, hiệu quả cao, gần như người tiêm không nhiễm nữa, vì thế, có thể đạt được miễn dịch cộng đồng đối với các bệnh này. Tuy nhiên, đối với COVID-19, chúng ta vẫn phải đề phòng bệnh"- PGS Phu phân tích. 

Ông cũng cho rằng, chưa kể nếu xuất hiện biến chủng mới, các loại vaccine hiện nay không có hiệu quả thì đó lại là một vấn đề khác. Vì vậy, WHO và Việt Nam đều đưa ra 2 kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. 

"Việt Nam, mặc dù đã đạt tỉ lệ miễn dịch cao nhưng miễn dịch đó không bền vững, bởi vì, những người nhiễm bệnh rồi vẫn tái nhiễm, sau một thời gian miễn dịch giảm thì vẫn tái nhiễm. Thứ 2 là đối với những người đã tiêm vaccine rồi, sau một thời gian hiệu quả của vaccine cũng giảm đi, khả năng bảo vệ giảm đi, nên vẫn mắc bệnh, vẫn là nguồn lây cho người khác"- PGS Trần Đắc Phu nhận định. 

Tỉ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam ở nhóm cao nhất thế giới

Theo Bộ Y tế, đến ngày 4.5.2022, cả nước đã triển khai tiêm chủng được khoảng 215 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tỉ lệ bao phủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; Tỉ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi lần lượt là 100% và 96,4%; Tỉ lệ tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 57,5%; Tỉ lệ bao phủ mũi 1 cho trẻ em từ 05 tuổi đến dưới 12 tuổi là 13,7%.

Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau- về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Theo Nguồn vietbao.vn

Việt Nam đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng? - Tin Mới